Hiện nay trên thế giới, Hộ chiếu vaccine đang được kỳ vọng là một trong những giải pháp giúp nối lại các chuyến bay quốc tế, khơi thông du lịch, thương mại và vực dậy các nền kinh tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để các quốc gia có thể nhanh chóng, an toàn mở cửa biên giới, từng bước khôi phục các ngành du lịch, hàng không, thương mại, đầu tư.

Tại Việt Nam, theo yêu cầu của Bộ Y tế, từ ngày 8/4, các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bắt đầu thực hiện ký số. Sau đó, từ 15/4, Bộ Y tế sẽ thực hiện ký tập trung để cấp “Hộ chiếu vaccine” cho người dân. Tính đến ngày 16/2/2022, 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đã công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam, bao gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

  1. Hộ chiếu vaccine là gì?

Hộ chiếu vaccine thực chất là tài liệu xác nhận một người đã tiêm đủ số mũi vaccine theo khuyến cáo chuyên môn của nhà sản xuất hoặc theo cơ quan quản lý nhà nước, thông thường là đủ 2 mũi hoặc cho những người đã bị nhiễm COVID nhưng đã khỏi bệnh hoặc có giấy xác nhận âm tính với virus SARs Covi-2.

Hộ chiếu vaccine đang được xem là một trong những giải pháp giúp nối lại các chuyến bay quốc tế, khơi thông du lịch, thương mại và vực dậy các nền kinh tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để các quốc gia có thể nhanh chóng, an toàn mở cửa biên giới, từng bước khôi phục các ngành du lịch, hàng không, thương mại, đầu tư.

  1. Hộ chiếu vắc xin có những ưu điểm nào?

Thứ nhất, khi áp dụng hộ chiếu vaccine và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 đối với người nhập cảnh vào Việt Nam, thời gian cách ly sẽ được giảm đến mức tối thiểu. Khi thời gian cách ly giảm sẽ giúp giảm bớt khó khăn trong quá trình di chuyển từ đó những công việc của doanh nghiệp sẽ thực hiện một cách dễ dàng hơn. Đồng thời, các chi phí, thời gian, nguồn nhân lực liên quan đến việc cách ly khi nhập cảnh vào các quốc gia trên thế giới cũng sẽ được giảm đáng kể.

Thứ hai, hộ chiếu vaccine giúp việc tạo lập một ứng dụng về sức khỏe cho phép các cá nhân lưu trữ hồ sơ sức khỏe của họ một cách an toàn và riêng tư trên điện thoại. Việc trích xuất dữ liệu qua dạng QR code khi cần cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền cũng là một biện pháp ưu việt nhằm giúp việc xác thực thông tin nhanh chóng cũng như đảm bảo an toàn thông tin. Đồng thời, nếu một hệ thống công nhận chung được hình thành giữa các quốc gia, việc di chuyển và tiến hành hoạt động đi lại của hành khách giữa các quốc gia sẽ trở nên cực kỳ thuận lợi và nhanh chóng.

Thứ ba, hộ chiếu vaccine cũng có thể là chìa khóa đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường khi nó có thể được cấp cho những người đã tiêm phòng và cho phép họ tham gia các hoạt động cộng đồng, giúp họ yên tâm rằng người bên cạnh mình cũng đã được tiêm phòng, và do đó các quốc gia có thể bãi bỏ việc hạn chế/cấm tụ tập đông người, giúp những địa điểm hay hoạt động cộng đồng trở nên an toàn hơn.

Tại Việt Nam, rất nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ cần được kết nối với thế giới để lấy lại đà phát triển, việc đi lại an toàn không chỉ là nhu cầu của người dân mà còn là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân. Thêm vào đó, tỷ lệ tiêm chủng trong nước ta đã tăng nhanh, vì vậy, cần có chính sách hợp lý để những người đã được tiêm chủng được đi lại, được làm việc hoặc tham gia các hoạt động xã hội một cách an toàn.

  1. Vì sao có nhiều quan điểm phản đối chính sách hộ chiếu vaccine?

Hộ chiếu vaccine dù nhận được nhiều sự đồng tình và ủng hộ, tuy nhiên, vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi tại nhiều quốc gia và các tổ chức trên thế giới. Nhiều quốc gia cho rằng, việc nới lỏng đi lại cho những người đã được tiêm chủng sẽ dẫn đến sự phân biệt đối xử với những người chưa được tiêm vaccine, đặc biệt đối với các công dân ở một số quốc gia kém phát triển chưa được tiếp cận vaccine. Hơn nữa, vấn đề làm giả hộ chiếu vaccine hay mối lo về nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân cũng khiến nhiều quốc gia e ngại áp dụng. Đồng thời, nhiều quan điểm cho rằng việc áp dụng chính sách hộ chiếu vaccine này cũng sẽ đi ngược lại quy định về quyền lựa chọn tiêm hay không tiêm vaccine của người dân.

Thời gian qua, Uỷ ban châu Âu (EC) dự kiến công bố một đề xuất mang tính pháp lý về việc thiết lập một hệ thống “hộ chiếu vaccine điện tử” giữa các nước trong khối trong tháng 3/2021. Giấy thông hành sẽ cho phép người dân được di chuyển trong hoặc ngoài EU để làm việc và du lịch. EC sẽ tìm cách tạo một cơ chế kỹ thuật để chứng nhận giấy thông hành dưới dạng kỹ thuật số, dựa trên thông tin tương đương ở tất cả 27 nước thành viên và phải đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu của EU. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang gây tranh cãi giữa các thành viên Liên minh châu Âu (EU). Các nước phụ thuộc vào du lịch như Hy Lạp và các nhóm vận động hành lang ngành Hàng không muốn giấy chứng nhận này phải được coi như hộ chiếu vaccine, cho phép những người đã tiêm phòng không phải xét nghiệm hay trải qua cách ly. Tuy nhiên, nhiều quốc gia thành viên EU đưa ra quan điểm rằng, nếu như ý tưởng là tạo ra một loại giấy tờ kỹ thuật số, EU sẽ bắt buộc phải thiết lập một nền tảng chung có giá trị tại tất cả các nước thành viên để xác minh tính hợp lệ của loại giấy tờ trên, cũng như bảo vệ thông tin y tế nhạy cảm. Sự xuất hiện của biến chủng vi rút SARS-CoV-2 làm cho câu chuyện càng trở nên phức tạp bởi tiêm phòng không có nghĩa là miễn nhiễm hoàn toàn với dịch bệnh.

Bên cạnh đó, một số quốc gia, dẫn đầu là Pháp và Đức lại không quá “mặn mà” với việc triển khai “hộ chiếu vaccine”. Vì lo ngại rằng, việc nới lỏng đi lại cho những người đã được tiêm chủng sẽ dẫn đến “sự phân biệt đối xử” với những người chưa được tiêm vaccine. Chính phủ Pháp cho rằng, hiện tại châu Âu mới đang trong giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm vaccine và chưa rõ hiệu quả của việc tiêm chủng hiện nay trong việc chống dịch nên việc bàn về hộ chiếu vaccine vào lúc này là quá sớm. Còn tại Đức, “hộ chiếu vaccine” cũng vấp phải sự phản đối, bởi hiện nay ưu tiên của nước này là siết chặt quy định để ngăn sự lây lan của biến chủng vi rút đến từ Anh.

Dưới góc độ quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bác sĩ Catherine Smallwood, chuyên viên cao cấp về vấn đề khẩn cấp của WHO tại châu Âu khẳng định, WHO không khuyến nghị hộ chiếu miễn dịch (chứng nhận tiêm vaccine) và cũng không khuyến nghị dùng xét nghiệm như một phương tiện để ngăn ngừa lây truyền qua biên giới.

 

Hiện nay, nhằm thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Công văn 1606/VPCP-QHQT ngày 15/03/2022 về việc khôi phục chính sách xuất nhập cảnh của Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã ban hành Công văn 967/BNG-LS ngày 17/3/2022. Công văn này đã đưa ra Danh sách các nước Việt Nam công nhận hộ chiếu vắc xin, đồng thời hướng dẫn cụ thể về điều kiện và mẫu hộ chiếu vắc xin. Cũng theo Công văn này, Hộ chiếu vắc xin sẽ được áp dụng trên nguyên tắc có đi có lại giữa Việt Nam đối với 16 quốc gia nêu trên. Người mang Hộ chiếu vắc-xin của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vắc-xin ở sở tại.

 

Tài liệu tham khảo:

Hiền Minh, Bộ Y tế hướng dẫn quy trình cấp “Hộ chiếu vaccine”, 21/12/2021, https://baochinhphu.vn/bo-y-te-huong-dan-quy-trinh-cap-ho-chieu-vaccine-102305877.htm.

Tuệ Minh, Hộ chiếu vaccine – chìa khóa mở lại cánh cửa du lịch, 25/10/2021, https://dangcongsan.vn/phong-chong-dich-covid-19/ho-chieu-vaccine-chia-khoa-mo-lai-canh-cua-du-lich-594973.html.

Trúc Linh, Hộ chiếu vaccine Covid-19: Sáng kiến thực tế còn nhiều tranh cãi, 13/07/202, http://consosukien.vn/ho-chieu-vaccine-covid-19-sa-ng-kien-thuc-te-con-nhieu-tranh-cai.htm.

THÔNG TIN CHI TIẾT LIÊN QUAN

Đọc thêm tin tức mới nhất và đánh giá pháp lý từ TekLaw Group