1. Điều kiện để được cấp Giấy phép lao động

Theo quy định, để xin giấy phép lao động, thì lao động nước ngoài phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Người lao động nước ngoài phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

– Người lao động nước ngoài phải có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc.

– Người lao động nước ngoài phải không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam.

– Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

– Người lao động nước ngoài phải là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật, có đầy đủ các giấy tờ chứng minh theo quy định tại Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.

  1. Trình tự, thủ tục sơ bộ xin cấp Giấy phép lao động

Việc cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài về cơ bản sẽ được thực hiện theo hai bước: Đăng ký nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài và Xin cấp Giấy phép lao động.

Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động cần đăng ký nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài. Tiếp theo đó, trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động đó phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động. Thẩm quyền cấp Giấy phép lao động theo quy định sẽ thuộc về Sở Lao động – Thương binh và xã hội.

  1. Thời hạn và gia hạn Giấy phép lao động

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 52/2020/NĐ-CP, Thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp sau đây nhưng không quá 02 năm:

– Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết.

– Thời hạn của bên nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam.

– Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài.

– Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài.

– Thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ.

– Thời hạn đã được xác định trong giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

– Thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó.

– Thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam.

– Thời hạn trong văn bản chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài trừ trường hợp không phải thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

Giấy phép lao động có thể được gia hạn trong trường hợp Giấy phép lao động đã được cấp còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày, đồng thời người lao động được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài và có giấy tờ chứng minh việc tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động theo nội dung giấy phép lao động đã được cấp.

  1. Hậu quả pháp lý khi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có Giấy phép lao động

Hiện nay, thực tiễn xét xử tranh chấp cho thấy cơ quan xét xử sẽ có xu hướng coi Hợp đồng lao động ký với người lao động nước ngoài không có Giấy phép lao động sẽ bị xem là vô hiệu toàn bộ do trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên,  Tòa án Việt Nam trong các vụ việc khác nhau còn cân nhắc đến cả yếu tố lỗi để kết luận Hợp đồng có vô hiệu hay không, chẳng hạn như việc người lao động nước ngoài không có Giấy phép lao động do lỗi của người sử dụng lao động thì Hợp đồng đó vẫn sẽ có hiệu lực.

Dước góc độ xử phạt vi phạm hành chính, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có Giấy phép lao động hoặc xác nhận trường hợp không phải xin Giấy phép lao động. Do vậy khi doanh nghiệp không tuân thủ theo quy định của Nghị định này về xin giấy phép lao động cho người nước ngoài, người sử lao động nước ngoài sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

THÔNG TIN CHI TIẾT LIÊN QUAN

Đọc thêm tin tức mới nhất và đánh giá pháp lý từ TekLaw Group